Viscose đang là chất liệu ngày càng phổ biến trên toàn cầu bởi những đặc tính nổi bật của dòng vải này, nó còn được coi là sự thay thế hoàn hảo cho vải lụa truyền thống. Tất cả những thông tin hữu ích về viscose sẽ được hé lộ trong bài viết dưới đây.
Vải viscose là gì?
Viscose (hay còn gọi là rayon) là một loại vải bán tổng hợp có nguồn gốc từ tự nhiên, chủ yếu là bột giấy hòa tan cellulose (xenlulozo), thành phần chính của thành tế bào thực vật.
Nguyên liệu thô để sản xuất vải viscose vô cùng đa dạng, có thể đến từ nguồn tự nhiên như bông hoặc tre hay kể cả rong biển, trong đó gỗ là nguồn cung cấp cellulose chính để chế tạo viscose. Cellulose sẽ được xử lý bằng hóa chất để tạo ra loại sợi tương tự với sợi tự nhiên.

Vải viscose được tạo nên như thế nào?
Vào đầu thế kỷ 19, lụa tơ tằm của Trung Quốc được du nhập vào Châu Âu và nhanh chóng trở thành mặt hàng được ưa chuộng trong giới quý tộc. Tuy nhiên giá thành lại vô cùng cao do quá trình sản xuất công phu và vận chuyển xa xôi.
Mong muốn tìm một giải pháp thay thế cho lụa nhưng với giá cả phải chăng hơn để tiếp cận tới phân khúc phổ thông, sợi nhân tạo đầu tiên đã được sản xuất từ cellulose bởi nhà phát minh Hilaire de Chardonnet, tuy nhiên gặp phải một vấn đề lớn, đó là rất dễ cháy. Đến năm 1892, Charles Cross và Edward Bevan đã xử lý cellulose tốt hơn, tạo ra một chất lỏng đặc sệt như mật ong với độ nhớt cao. Chất lỏng này được chế biến thành thể rắn để tạo ra sợi vải tuy nhiên cũng không thành công.
Phải mãi đến năm 1899, khi Charles Tompham mua lại bản quyền sản xuất sợi viscose, dựa trên những cảm hứng là các bánh xe đạp đang quay, ông đã thành công tạo nên các sợi vải viscose hoàn hảo nhờ phát triển “Hộp Topham” quay với tốc độ 3000 vòng/phút. Từ đó, dòng vải này được sản xuất rộng rãi trên thế giới dưới sự cấp phép của Charles.

Quy trình sản xuất vải viscose trải qua nhiều cộng đoạn nhưng cơ bản sẽ gồm các bước sau:
- Khai thác cellulose: Để tạo ra vải chất lượng phải sử dụng cellulose nguyên chất 90%.
- Kiềm hóa cellulose: Hòa tan trong xút (natri hydroxit) để tạo các phản ứng hóa học chuyển đổi cellulose thành cellulose kiềm, đồng thời loại bỏ các tạp chất khỏi dung dịch.
- Ép: Cellulose kiềm được ép giữa 2 trục lăn để loại bỏ các chất lỏng dư thừa. Những tấm ép này sau đó được cắt nhỏ thành các “vụn trắng”.
- Xử lý hóa chất: Các mảnh vụn được xử lý bằng carbon disulfide sau đó được hòa tan trong các hóa chất như axit sulfuric, tạo ra dung dịch nhớt (trong Tiếng Anh có nghĩa là viscose). Tên gọi “viscose” cũng từ đó mà ra đời.
- Lọc và ép đùn: Dung dịch nhớt được lọc để loại bỏ các phần tử không hòa tan, khử khí để loại bỏ các bọt khí còn mắc kẹt. Sau đó, chúng được bơm qua các lỗ nhỏ của vòi hoa sen vào một bể chứa axit sunfuric pha loãng, natri sulfat và kẽm sulfat, ở đó nó ngưng tụ thành các sợi gần như nguyên chất của cellulose.
- Kéo sợi: Chất tạo thành sẽ được ép qua một máy quay, đây là một máy tạo ra các sợi chỉ bằng cenllulose tái sinh, sau đó được kéo thành sợi để dệt hoặc thành vải viscose.
Đặc tính vải viscose
Với thành phần chính từ cellulose tái tạo, vải viscose mang những ưu điểm nổi bật sau đây:
- Độ thoáng khí cao: Tính siêu thấm hút của vải viscose khiến nó cực kỳ phù hợp để sản xuất các trang phục cho người vận động nhiều. Nó không giữ nhiệt và cũng không làm trôi mồ hôi nên rất thoáng khí, là loại vải mát mẻ cho phong cách thời trang mùa hè.
- Khả năng giữ màu tốt: Áo quần từ chất liệu viscose có thể giữ màu nhuộm trong một thời gian dài dù đã giặt qua nhiều lần.
- Mềm mại: Vải viscose đem lại cảm giác nhẹ nhàng, mềm mại giống lụa. Vải viscose không co giãn nên người ta thường pha thêm một tỷ lệ spandex để tăng độ co giãn và đàn hồi cho vải.
- Giá thành phải chăng: Vải viscose mang lại cảm giác mềm mại, ánh sáng gần như tương tự vải lụa, sang trọng nhưng giá thành lại không quá đắt, đây là một sự lựa chọn hoàn hảo thay thế lụa.
- Nguồn gốc tự nhiên: Với nguồn gốc từ thiên nhiên nên viscose rất nhẹ và thoáng. Bề mặt vải mềm mại nên không gây ra những cảm giác khó chịu với làm da
Tuy vậy, viscose vẫn là sợi nhân tạo và tồn tại những khuyết điểm sau:
- Chịu nhiệt kém (dưới 120 độ C): Chất lượng vải sẽ giảm nếu như tiếp xúc với nhiệt độ cao.
- Dễ co và dễ đứt: Cấu trúc viscose yếu hơn cotton nên kém bền hơn, các sợi tơ nhân tạo mỏng manh có thể bị đứt ra nếu chịu tác động vật lý lớn, đồng thời có thể co lại sau mỗi lần giặt, đặc biệt là khi giặt máy.
- Khó vệ sinh: Khi bị bám bẩn sẽ khó giặt sạch hơn các chất liệu khác.
- Dễ bị nấm mốc: Độ hút ẩm cao nên dễ tạo điều kiện cho nấm mốc sinh sôi

Phân loại vải viscose
Dựa vào quá trình sản xuất, hiện nay vải viscose được phân loại thành 3 nhóm chính, bao gồm:
- Vải Viscose thông thường: Đây là loại vải có thị phần lớn nhất và được sử dụng phổ biến trong quần áo và nội thất. Tuy nhiên dễ bị co lại khi giặt ướt nên ưu tiên sử dụng biện pháp giặt khô để giữ được chất lượng.
- Sợi Viscose độ bền cao: Được ứng dụng nhiều trong sản xuất lốp xe và các mặt hàng dệt may công nghiệp đòi hỏi độ bền và khả năng chịu lực lớn. Trong quá trình sản xuất, nó sẽ được tráng thêm các lớp hóa học để tăng khả năng kháng ẩm và đảm bảo độ bền cho sản phẩm.
- Sợi HWM Viscose: Mang những đặc tính nổi bật của vải viscose cùng khả năng hút ẩm cao hơn, chất liệu này dùng được cho giặt máy và khá an toàn khi tiếp xúc với nước, thuận lợi cho quá trình làm bóng và khâu vệ sinh.

Phân biệt vải viscose với lụa và cotton
Viscose bán tổng hợp và vải lụa tự nhiên giống nhau về chất liệu mềm mại và phương pháp bảo quản Nhưng chúng khác nhau ở một số khía cạnh: lụa làm hoàn toàn tự nhiên và thân thiện với môi trường, mang lại những cảm giác tuyệt vời cho làn da, trong khi đó, viscose là sợi nhân tạo có sử dụng hóa chất nên giá thành thấp hơn, khả năng thoáng khí tốt hơn lụa truyền thống nhưng độ sáng bóng lại không bằng.
So với cotton đã quá quen thuộc, cả hai chất liệu đều mang lại cảm giác thoải mái nên được ứng dụng nhiều trong công nghiệp quần áo và nội thât, linh hoạt khi kết hợp với nhiều chất liệu khác nhau. Trong đó viscose mềm và khả năng thấm hút tốt hơn, chăm sóc cũng có phần đặc biệt và nhiều lưu ý hơn cotton.
Ứng dụng vải viscose
Nhờ các đặc tính nổi trội và giá thành lại phải chăng nên vải viscose được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực:
- Thời trang: Sự mềm mượt của vải viscose mang lại cảm giác quý phái, phù hợp cho các trang phục mang tính trang trọng. Đồng thời, chúng nhẹ nhàng và thoáng khí nên thích hợp cho các trang phục thường ngày. Bên cạnh đó, nhờ sự thấm hút tốt, đây cũng là chất liệu phù hợp cho người hay vận động
- Đời sống: Tính mềm mại như lụa của vải viscose làm tăng thêm vẻ đẹp cho căn phòng nên được ứng dụng nhiều vào rèm màn. Tính hút ẩm tốt nên cũng được sử dụng làm khăn tắm, khăn lau, các tấm làm mát, các phụ kiện trong ô tô… Ngoài ra khi pha trộn với polyester và cotton còn có thể tạo ra chất tăng cường tính năng chống thấm trong chất bảo vệ nệm.

Cách sử dụng và bảo quản vải viscose
Dựa vào những đặc tính đã nêu ở trên, các sản phẩm làm từ vải viscose có những lưu ý đặc biệt trong sử dụng và bảo quản:
- Nên giặt bằng tay và dùng nước lạnh hoặc chất tẩy rửa nhẹ để tránh ảnh hưởng hưởng đến cấu trúc vải. Nếu giặt máy thì nên giặt ở chế độ nhẹ nhàng nhất tránh bị co giãn, đặc biệt lưu ý trong quá trình giặt nên tránh ngâm lâu, vắt hoặc làm nhăn bề mặt vải.
- Sau khi giặt nên dùng khăn bông khô mềm để thấm nước, treo lên móc và để khô tự nhiên, nên phơi trong bóng râm hoặc nơi thoáng khí, tránh ánh nắng mặt trời trực tiếp. Sau khi khô, bảo quản vải ở nơi khô ráo.
- Tương tự, khi là quần áo bạn cũng nên đặt bàn là ở chế độ nhiệt độ thấp để tránh vải bị co ngắn hay biến dạng.

Thị trường vải viscose trên thế giới
Vải viscose chủ yếu được sản xuất trong các cơ sở nhà máy quy mô lớn do quá trình phức tạp và phải cần đến nhiều loại hóa chất, máy móc khác nhau.
Mặc dù thị phần hiện tại của viscose vẫn còn tương đối nhỏ so với cotton hay polyester, nhưng sản lượng sản xuất cho ngành dệt may được kỳ vọng phát triển cao trong những năm tới. Cellulose cũng có thị phần lớn thứ ba trong tổng thị trường xơ sợi, sau polyester và cotton.
Năng lực sản xuất sợi viscose trên toàn cầu tăng trưởng với tốc độ trung bình hằng năm vào khoảng 7.7% trong thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21. Chủ yếu là nhờ sự mở rộng ở các nước Châu Á, trong đó Trung Quốc trở thành nhà sản xuất chất liệu viscose lớn nhất thế giới, với sản sượng chiếm khoảng 62% tổng sản lượng toàn cầu vào năm 2012 (theo Water Footprint Network tổng hợp).
Ảnh hưởng của vải viscose tới môi trường
Bản chất của vải viscose là bột gỗ có nguồn gốc tự nhiên, nhưng trong quá trình chế tạo bắt buộc phải sử dụng các chất hóa học nên khi xem xét về tính bền vững, viscose không phải là một sự lựa chọn thân thiện với môi trường.
- Nạn phá rừng: Mặc dù gỗ để làm viscose có thể được khai thác bền vững nhưng đôi khi chúng có khả năng xóa sổ những cánh rừng tự nhiên và tác động tiêu cực đến hệ sinh thái địa phương.
- Hóa chất độc hại: Quá trình sản xuất viscose sử dụng nồng độ cao các hóa chất độc hại gây ô nhiễm không khí và nước. Mặc dù các hóa chất có thể được tái sử dụng trong suốt chu kỳ sản xuất, nhưng đó không phải là một quy trình hoàn hảo và dư thừa hóa chất vẫn được tìm thấy xung quanh các khu vực sản xuất viscose.
- Lãng phí nước: Sản xuất Viscose sử dụng rất nhiều nước, cả trong quá trình tưới tiêu và chế biến.
Tuy viscose có thể tự phân hủy sinh học và được làm từ một nguồn tài nguyên tái tạo nhưng tác động môi trường của việc sản xuất viscose vẫn còn cao. Vì vậy chúng ta chỉ nên mua số lượng vừa đủ từ những nguồn cung cấp uy tín và sử dụng tiết kiệm các bạn nhé.

Vải viscose giá bao nhiêu và mua ở đâu?
Là loại vải có nhiều ưu điểm nổi bật và giá thành lại khá phù hợp, bạn có thể dễ dàng tìm mua vải viscose ở các tiệm vải trên toàn quốc hoặc các kênh mua sắm online.
Hiện nay giá vải trên thị trường thường rơi vào khoảng 100.000 – 150.000 VND/kg, chênh lệch tùy vào chất lượng vải tuy nhiên vẫn rẻ hơn nhiều so với các loại vải khác trên thị trường. Khi mua, mọi người lưu ý nên lựa chọn các địa điểm uy tín và kiểm tra chất lượng vải để đảm bảo nhé.
Trên đây là toàn bộ thông tin mà bạn nên biết khi tìm hiểu về vải viscose bao gồm những đặc tính, ưu nhược điểm, tính ứng dụng và tác động của dòng vải này. Hy vọng aodongluc.vn đã cung cấp cho các bạn những kiến thức bổ ích về một chất liệu vải vô cùng phổ biến hiện nay.